Phát triển cây Quế Trà My

  • Home
  • /
  • BLOG
  • /
  • Phát triển cây Quế Trà My
November 19, 2017
Quế là cây trồng truyền thống ở huyện Nam Trà My và là nguồn thu nhập chính của đồng bào các dân tộc Cadong, Xê đăng, Bhnoong từ bao đời nay. Quế Trà My được Cục sỡ hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm Quế Trà My của tỉnh Quảng Nam vào tháng 10/2011. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng quế trong vùng, đồng thời góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, cây Quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc.
anh que

Quế được mùa

Những ngày đầu năm chúng tôi đến xã Trà Leng nơi được xem là thủ phủ quế của huyện Nam Trà My trong ngào ngạt hương quế. Đang là thời điểm thu hoạch quế nên người dân ai cũng tranh thủ lột vỏ quế mang về bán cho thương lái. Dưới cái nắng oi ả, những giọt mồ hôi thấm đẫm nhọc nhằn cũng không làm phai được niềm vui trên gương mặt của những người trồng quế, ánh mắt người nào cũng như biết cười vì năm nay quế được giá. Trò chuyện chúng tôi ông Nguyễn Thành Tiêu ở thôn 1 xã Trà Leng hồ hởi cho biết: “Năm nay quế có giá cao, nên người dân chúng tôi ai cũng mừng. Tùy theo chất lượng vỏ quế mà có giá bán khác nhau, hiện nay 1 kg vỏ quế tươi có giá bán bình quân từ 15 nghìn đồng đến 17 nghìn đồng, quế đã phơi khô có giá bán từ 36 nghìn đồng đến 37 nghìn đồng”. Ông Tiêu cũng cho hay, hiện tại gia đình ông có khoảng vài trăm cây quế đang cho thu hoạch, trong tổng số hơn 1.000 cây gia đình ông trồng trên rẫy. Với chừng ấy, ước tính vụ thu hoạch năm nay gia đình ông sẽ thu về vài chục triệu đồng. Cùng chung niềm vui với ông Tiêu, ông Hồ Văn Nhầy ở thôn 3 xã Trà Leng cũng rất phấn khởi vì những năm gần đây cây quế có giá khiến cho cuộc sống của gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng truyền thống này. “Từ đầu vụ đến giờ, nhà mình đã thu hoạch và bán được hơn 10 triệu đồng tiền quế rồi. Nhờ có tiền bán quế mà mình có điều kiện trang trải cho cuộc sống hàng ngày và lo cho các con ăn học đầy đủ hơn”– ông  Nhầy cho hay.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù quế có giá cao, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết: mưa nhiều, trời lạnh kéo dài nên quế chậm tróc vỏ hơn so với mọi năm nên thời điểm này lượng quế bà con thu hoạch chưa được nhiều. “Mọi năm, tầm này, mỗi ngày tôi thu mua khoảng trên cả tấn, thế nhưng năm nay chỉ mua được hơn một nửa. Hy vọng, thời gian tới, thời tiết tốt nắng ráo, người dân lên rẫy lột quế rầm rộ, lượng quế thu mua hy vọng sẽ tăng cao hơn. Những năm gần đây, nhờ đầu ra cây quế rất ổn định nên lượng quế mà tôi thu mua về đều được vận chuyển tiêu thụ nhanh chóng”–  bà Nguyễn Thị Tâm, chủ quán tạp hóa cũng là một cơ sở thu mua quế ở xã Trà Leng cho biết thêm.

Mỗi năm quế được khai thác từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt hai từ tháng 7 đến tháng 8 (âm lịch). Trong khoảng thời gian này vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu nhất. Mặc dù cây quế có tuổi đời khá dài, song so với các loại cây nguyên liệu khác thì cho hiệu quả cao hơn hẳn. Tất cả vỏ, thân, lá và cành quế đều có thể bán được. Quế trở thành cây trồng mũi nhọn của và là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của không ít gia đình. Hiện tại, hầu như bà con đồng bào ở Nam Trà My nhà nào cũng trồng quế. Quế được  trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, quanh nhà…Hộ ít nhất cũng hơn vài trăm cây, nhiều thì tới vài ha.

anh lot que 2

Chú trọng phát triển

Trong thời gian đến Nam Trà My định hướng phát triển, mở rộng vùng chuyên canh quế nhằm quản lý, bảo tồn nguồn gen quý, tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững được vốn rừng hiện có; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định. Theo đó, “Đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế” được huyện Nam Trà My xây dựng với diện tích lên tới hơn 2.864ha. Đề án sẽ được triển khai tại 10/10 xã, trong đó 3 xã Trà Mai, Trà Leng và Trà Dơn chiếm 1.888ha. Giống quế được huyện chọn trồng là giống quế gốc Trà My, mục tiêu của dự án là đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 6.000ha (2.796 ha tập trung và 3.206 ha phân tán), trong đó hơn 2.500ha vùng chuyên canh; hằng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.600 tấn vỏ quế  và 16.000 tấn cành, lá, nhánh để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu. Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh; các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong và ngoài tỉnh. Hiện nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc chế biến phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển mạnh thương hiệu quế bản địa Trà My trong tương lai. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định: “Đề án quy hoạch phát triển cây quế Trà My giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội chung của toàn huyện. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa. Đồng thời giúp nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu một cách bền vững”.

Để bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My, đưa cây Quế trở thành cây hàng hóa, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu thì đòi hỏi phải hình thành vùng chuyên canh cây quế quy mô lớn. Khi đó sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, thu hút các doanh nghệp đầu tư vào trồng, chế biến sản phẩm từ cây Quế. Qua đó nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của cây Quế, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người trồng quế, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.